Cấu hình và sử dụng Wireless Router

Ngày nay, hầu hết Wireless Router của các hãng khác nhau đều có chung cách cấu hình để truy cập mạng cũng như bảo mật. Bài viết xin giới thiệu cách cấu hình của thiết bị Cisco Linksys WRT-160N để bạn đọc tham khảo, từ đó có thể dễ dàng áp dụng với các thiết bị khác để thiết lập một mạng Wi-Fi. 
Ngày nay, các thiết bị phát sóng Wi-Fi được chia làm 3 loại là Access Point, Wireless Router và Wireless Modem. Access Point chỉ có cổng Lan, sử dụng như một bộ phát sóng không cần cấu hình, do đó bộc lộ điểm yếu là không có các chế độ bảo mật. Ngược lại Wireless Router không những có chức năng bảo mật khi truy cập, chế độ tường lửa, cấp phát và thu hồi địa chỉ IP (DHCP) mà còn có thêm một cổng Wan, điều này giúp bạn dễ dàng phân biệt với các Access Point chỉ có các cổng Lan mà thôi. Wireless Modem thì các chức năng cũng tương tự như Wireless Router nhưng có cổng ADSL dùng để kết nối trực tiếp từ dây cáp của nhà cung cấp mạng (ISP) mà không cần thông qua modem ADSL. Do vậy, nếu như ở nhà bạn đã có sẵn modem ADSL thì bạn chỉ cần mua thêm một bộ phát sóng Wireless Router nữa là đủ.   
Cấu hình và sử dụng Wireless Router
Mô hình một mạng Wi-Fi.

Ở thời điểm hiện nay, chuẩn Wi-Fi 802.11g đang rất phổ biến tại các doanh nghiệp, hộ gia đình, các cá thể sử dụng, với tốc độ truyền dữ liệu lên đến 54Mbps trong phạm vi phủ sóng từ 50 đến 100m. Tuy nhiên, sự ra đời của chuẩn 802.11n đã mang lại một sự bứt phá về tốc độ cũng như về phạm vi phủ sóng. Chuẩn 802.11n cho thấy tốc độ nhanh hơn từ 9 đến 12 lần và phạm vi phát sóng xa hơn từ 3 đến 4 lần so với chuẩn g. Tuy nhiên điều này đòi hỏi các thiết bị đầu cuối thu sóng như các dòng Laptop, Notebook, Netbook, Macbook… phải tương thích với chuẩn n, nếu không các bạn sẽ lãng phí kinh tế vì sử dụng các thiết bị mà không đem lại hiệu quả.
Việc đầu tiên cần làm sau khi mua Wireless Router về là reset để trả về các thông số mặc định của nhà sản xuất. Bạn lấy đầu bút bi nhấn vào nút reset và giữ nguyên trong khoảng 5 giây, sau khi thấy các đèn tín hiệu chớp và hoạt động trở lại là bạn đã thực hiện thao tác reset xong.

Cấu hình và sử dụng Wireless Router
Thao tác reset một Wireless Router.

Sau đó bạn dùng dây cáp mạng - thường hay được sử dụng loại cáp cat5e - nối từ máy tính tới cổng Lan của Wirelss Router, tiếp theo bạn nhập địa chỉ IP cho máy tính, lưu ý địa chỉ này phải cùng lớp với lớp mạng của địa chỉ truy cập Wirelss Router. Ngoài ra bạn cũng có thể để địa chỉ IP của máy tính ở chế độ Obtain an IP address automactically để được Wirelss Router cấp phát động.

Cấu hình và sử dụng Wireless Router
Kết nối dây cáp thông qua cổng LAN trên máy tính và cổng Ethernet (màu xanh) trên Wireless Router.

Bước tiếp theo bạn truy cập vào địa chỉ mặc định của Wireless Router là 192.168.1.1. Để biết các thông tin này, bạn có thể xem trong sách hoặc đĩa CD hướng dẫn kèm theo, đôi khi nó được in trực tiếp ở phía dưới bề mặt của thiết bị.
Có nhiều cách để cấu hình một Wireless Router nhưng thông thường hay sử dụng 2 cách cấu hình chính là chuẩn Bridge Mode và chuẩn Router Mode. Trong đó chuẩn Router Mode thì lại có 2 cách cấu hình phổ biến là Automatic Configuration – DHCP và Static IP. Mỗi chuẩn có một nét đặc trưng riêng, ưu nhược điểm riêng của mình. Bridge Mode là chế độ bắc cầu, lúc này Wireless Router sẽ đóng vai trò như một Modem trực tiếp kết nối ra Internet, do đó bạn cần thiết lập chế độ tường lửa để ngăn chặn các xâm nhập từ bên ngoài vào trong mạng nội bộ. Automatic Configuration – DHCP thì giúp cho việc cấu hình Wireless Router trở nên đơn giản, bạn chỉ việc cắm dây cáp từ cổng Lan của Modem ADSL kết nối vào cổng Wan của Wireless Router là có thể sử dụng. Còn Static IP thì giúp nâng cao vai trò bảo mật và ngăn chặn broadcast khi virus phát tấn công. Trong đó, cách cấu hình theo chuẩn Router Mode với kiểu Static IP là hay được sử dụng nhiều nhất.
Cấu hình theo kiểu Static IP
Static IP nghĩa là IP tĩnh. Nếu bạn cấu hình theo kiểu này, bạn sẽ cấp phát địa chỉ IP cho từng máy Client trong mạng khác biệt với lớp mạng LAN mà bạn đang sử dụng. Do đó khi gặp sự cố rớt mạng hoặc virus gây ra hiện tượng broadcast thì hệ thống sẽ chỉ bị trong phạm vi cục bộ mà không gây nguy hại đến các lớp mạng khác. Tuy nhiên, các gói tin của Client khi đi ra ngoài Internet sẽ được Nat 2 lần qua Wireless Router và Modem ADSL, điều này sẽ làm tốc độ truy cập mạng của bạn chậm hơn một chút so với các chuẩn khác nhưng chỉ xảy ra trong khoảng thời gian nhỏ, do đó bạn sẽ không cảm nhận được sự khác biệt này.
Để cấu hình, bạn chọn kiểu Static IP trong mục Internet connection Type ở cửa sổ Basic Setup đã nói ở trên. Tiếp theo, trong mục Internet IP Address, bạn gõ một địa chỉ IP tĩnh trong lớp mạng Lan mà bạn đang sử dụng. Bạn nên chọn những địa chỉ liền kề sau địa chỉ Default Getway hoặc liền cuối địa chỉ Broadcast, ở đây bạn chọn là 192.168.1.254 với Subnet Mask là 255.255.255.0 và địa chỉ Default Getway là 192.168.1.1. Sau đó, bạn điền địa chỉ của DNS Server (nếu có) hoặc địa chỉ DNS của ISP. Nếu bạn đang dùng mạng của VDC thì bạn nên chọn 3 DNS sau: 203.162.4.190, 203.162.35.66 và 203.162.0.11.
Tiếp theo cũng trong cửa sổ Basic Setup, trong phần Network Setup, bạn chỉ cần đổi địa chỉ IP sang một lớp mạng khác với lớp mạng LAN bạn đang sử dụng, ở đây bạn chọn là 10.0.1.1. Cuối cùng là đến mục DHCP Server Setting, nếu bạn giữ nguyên các giá trị mặc định thì các client truy cập vào Wireless Router sẽ được cấp phát theo thứ tự từ IP có địa chỉ Octet cuối cùng là 100 và lần lượt tăng lên đến tối đa 50 địa chỉ, tức là 10.0.1.149. Cuối cùng bạn chọn nút Save Setting để lưu cấu hình lại.
Cấu hình và sử dụng Wireless Router
Phần cấu hình Basic Setup sau khi đã điền đầy đủ các địa chỉ.

Đến đây bạn đã cấu hình xong phần căn bản, bây giờ chúng ta chuyển sang bảo mật cho Wireless Router để ngăn ngừa các truy cập trái phép. Trên giao diện web đang mở, bạn vào Menu Wireless và chọn tab Basic Wireless Settings. Trong phần Network Mode bạn chọn chế độ Mixed để Wireless Router có thể phát sóng ở tất các chuẩn nó được hỗ trợ. Tiếp theo đến mục Network Name, đây chính là tên SSID của Wireless Router, bạn nên đặt một tên gợi nhớ. Thông số kênh Channel Width bạn chọn là 20MHz only, còn lại Channel và SSID Broadcast bạn nên giữ nguyên giá mặc định, sau đó bạn nhấn nút Save Setting để lưu cấu hình và chuyển sang bước tiếp theo. 

Cấu hình và sử dụng Wireless Router
Cấu hình Network Mode, SSID và Channel Width.

Cũng trong Menu Wireless, bạn chuyển sang tab Wireless Security và đặt Key trong mục Passphrase. Key này sẽ được bảo mật bằng các chuẩn WEP, WPA Personal, hoặc WPA2 Personal. Bạn nên chọn WPA2 Personal để được mã hóa ở cả hai ở 2 dạng TKIP hoặc AES, và WPA2 Personal là một trong những chuẩn được bảo mật nhất hiện nay. Như vậy là bạn đã hoàn thành cấu hình Wireless Router, lúc này bạn chuyển dây cáp từ cổng Ehternet trên Wireless Router sang cổng Wan để các client truy cập ra Internet.

Cấu hình và sử dụng Wireless Router
Đặt Key để mã hóa ở Mode WPA2 Personal.

Ngoài ra, để tăng cường bảo mật cho Wireless Router, bạn còn có thể lọc theo các địa chỉ Mac (địa chỉ vật lý), thiết lập thêm chế độ tường lửa, sau cùng bạn nên đổi mật khẩu truy cập vào Wireless Router trong Menu Administrator để hoàn toàn yên tâm truy cập vào mạng Internet không dây.
Lỗi thường gặp khi cấu hình Wireless Router và cách khắc phục
- Lỗi vật lý: Một trong những lỗi phổ biến nhất sau khi cấu hình Wireless Router thành công mà các máy client vẫn không truy cập được Internet là hỏng dây cáp truyền tín hiệu. Để khắc phục, bạn cần kiểm tra xem dây cáp đã được gắn chắc chắn hay chưa? Bạn cũng cần kiểm tra xem 2 đầu RJ45 của dây cáp đã được bấm đúng chuẩn hay không? Dây cáp thường được bấm dây theo 2 chuẩn là chuẩn A và chuẩn B. Bấm theo dạng cáp thẳng và dùng hộp test cáp để đo tín hiệu truyền 2 đầu.

- Kiểm tra Modem ADSL: Một điều khá đơn giản mà nhiều bạn vẫn mắc phải khi kiểm tra lỗi Wireless Router không kết nối được Internet là bỏ qua bước kiểm tra Modem ADSL. Vì Modem ADSL đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối ra Internet, do đó bạn phải dùng máy tính kết nối trực tiếp vào Modem ADSL để kiểm tra xem có truy cập ra được Internet hay không? Nếu ngay từ Modem mà các bạn đã không truy cập được Internet thì lỗi chính là ở thiết bị đầu cuối này.
- Lỗi cấp phát địa chỉ IP của DHCP Server: Một lỗi cũng rất cơ bản thường gặp là lỗi cấp phát địa chỉ IP của DHCP Server. Nếu bạn cấu hình theo chuẩn Bridge Mode, thì bạn phải tắt chế độ DHCP Server trên Modem ADSL vì việc cấp phát địa chỉ IP sẽ do Wireless Router đảm nhiệm, vì vậy bạn phải đăng nhập Modem ADSL và Disable chế độ DHCP Server đi. Nếu bạn cấu hình theo kiểu Automatic Configuration - DHCP thì có khả năng Modem ADSL và Wireless Router sẽ cấp trùng một địa chỉ IP cho client dẫn đến tình trạng xung đột. Tuy nhiên, thông thường Modem ADSL cấp dãy địa chỉ IP từ 33 trở lên cho các máy trạm kết nối có dây và Wireless Router cấp dãy địa chỉ từ 100 cho đến 149, cho nên nếu bạn không tự ý thay đổi dãy địa chỉ IP được cấp trong Modem ADSL thì bạn sẽ tránh được tình trạng trùng lặp khi DHCP Server cấp phát địa chỉ ở cả hai thiết bị Wireless Router và Modem ADSL.
- Lỗi DNS Server: Một lỗi mà bạn cũng thường hay gặp phải là DNS Server. Ngày nay, có nhiều DNS Server khác nhau như Open DNS, Google Public DNS và DNS của các ISP. Tuy nhiên, vì một số bạn có kiến thức tin học, biết cách thay đổi địa chỉ DNS mặc định của các ISP và thay vào đó là các Open DNS được phổ biến rộng rãi trên mạng. Dẫn đến tình trạng khi các Open DNS này bị lỗi thì bạn sẽ không thể truy cập ra Internet thông qua các trình duyệt bằng tên miền, vì DNS có chức năng phân giải tên miền của các Web Server thành địa chỉ IP để các bạn truy cập. Để khắc phục, trong cách cấu hình Wireless Router ở kiểu Static IP, bạn chuyển xuống phần DNS Static 1, DNS Static 2, DNS Static 3 và lần lượt gõ các địa chỉ DNS mà nhà mạng ISP cung cấp cho bạn. Sau đó, bạn cũng cần kiểm tra lại thiết bị thu sóng như laptop, kiểm tra ở phần địa chỉ TCP/IP của card wireless và chỉnh DNS Server về dạng tự động là Obtain DNS server address automatically.

Cấu hình và sử dụng Wireless Router
Điều chỉnh DNS theo ISP của VDC


Cấu hình và sử dụng Wireless Router
Điều chỉnh DNS của client ở chế độ được cấp phát động


- Chọn không đúng chuẩn sử dụng của thiết bị đầu cuối: Một lỗi rất căn bản khác mà bạn thường gặp phải là các thiết bị đầu cuối hoạt động không đúng chuẩn của nó. Thiết bị phát sóng là Wireless Router được bạn cấu hình cho ở chuẩn N, trong khi đó thiết bị thu sóng thì chỉ được hỗ trợ tối đa đến chuẩn G, do đó dẫn đến tình trạng các thiết bị này không bắt được sóng. Tuy nhiên, các Wireless Router chuẩn N ngày nay đều có hỗ trợ các chuẩn cũ hơn, cho nên để khắc phục lỗi bạn chỉ cần vào phần cấu hình Wireless Router, chọn chế độ Network Mode là Mixed.
- Điều chỉnh kênh phát sóng: Hầu hết Wireless Router chuẩn N đều để kênh phát sóng ở chế độ mặc định là 20MHz, khi đó các client có tốc độ truy cập có thể lên đến 130Mbps. Nếu bạn tăng kênh phát sóng từ 20 lên thành 40MHz giúp cho Wireless Router tăng tốc độ truy cập lên 300Mbps được gọi là việc ghép kênh. Tuy nhiên, để tăng phạm vi phủ sóng thì thường chọn các kênh càng thấp càng tốt, đồng nghĩa với việc nếu bạn muốn tốc độ truy cập vào Wireless Router càng cao thì độ phủ sóng sẽ càng bị thu hẹp lại, do vậy bạn nên chọn kênh phát sóng ở 20MHz là tốt nhất.
- Cập nhật phiên bản Firmware mới nhất: Thỉnh thoảng việc cúp điện đột ngột làm mất cấu hình của Wireless Router dẫn đến không thể truy cập Internet chính là nguyên nhân cấu hình không lưu được vào bộ nhớ ROM (Read Only Memory). Firmware là phần mềm trong bộ nhớ chỉ đọc ROM chứa các thủ tục khởi động, lệnh vào, ra ở mức thấp. Nó giúp khởi động phần cứng, làm tăng tốc độ phần cứng. Do đó, bạn cũng nên kiểm tra và Upgrade Firmware mới nhất để khắc phục tình trạng mất cấu hình của Wireless Router khi cúp điện đột ngột.
Nguồn: http://thuthuat.easyvn.net
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Email

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Download đấu trường thú 2

  • Đấu trường thú 2

  • Video Gallery